ĐƯỜNG NỐI CẢNG HÀNG KHÔNG ĐẾN KHU PHỨC HỢP NGHỈ DƯỠNG VÂN ĐỒN

     Đường nối Cảng hàng không đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vân Đồn: Quyết tâm hoàn thành trong năm 2018
     Để tạo sự đồng bộ về hạ tầng cho Đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh quyết định đầu tư đường trục chính từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp. Đường dài 15km, rộng 24m, thiết kế 4 làn xe có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án khởi công từ tháng 11/2017 và quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2018.

Video clip: Tuyến đường nối các dự án nghìn tỷ tại Vân Đồn sẽ hoàn thành cuối năm 2018.

     Theo báo cáo đánh giá của nhà thầu thi công dự án, đến nay tổng các hạng mục công việc đạt khoảng 30% khối lượng công trình.

     Trong đó, công tác đào đắp nền thi công đạt trên 60% khối lượng, đã thực hiện đào đắp được 3.124.000/5.187.000m3 đất đá các loại. Dự kiến, đến 30/4/2018 sẽ thông toàn tuyến lớp đất đắp K95.

Để đảm bảo tiến độ đề ra, một số vị trí hoàn thành thi công lớp đất đắp K95, nhà thầu đã tổ chức thi công cuốn chiếu ngay lớp đất đắp K98.

Trên tuyến thiết kế có 34 cống tròn và 15 cống hộp, đến nay các nhà thầu đã thi công hoàn thiện xong 11/34 cống tròn, 9/15 cống hộp.

Song song với việc tổ chức thi công đắp đất nền đường, công tác gia cố mái ta luy âm, dương cũng được triển khai cùng lúc, nhằm đảm bảo hạn chế thấp nhất sạt lở khi mùa mưa bão đến gần.

Hiện các nhà thầu đã vận chuyển đá dăm về công trường, sẵn sàng tổ chức thi công lớp cấp phối đá dăm trong tháng 6/2018, hoàn thành tổng thể dự án vào cuối năm 2018 theo kế hoạch.

BỘ GTVT ĐỒNG Ý GIA HẠN TIẾN ĐỘ DỰ ÁN BOT QL38

      Bộ GTVT vừa chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT.

( ảnh minh họa)
      Cụ thể, đối với các gói thầu xây lắp số 11, 12, 13, 14, 15 trên địa phận tỉnh Bắc Ninh: Gia hạn tiến độ thực hiện đến 31/5/2016. Đối với gói thầu xây lắp số 16, 17 trên địa phận tỉnh Hải Dương: Gia hạn tiến độ thực hiện đến 31/8/2016. Đối với các gói thầu điện chiếu sáng,ATGT, trạm thu phí: Gia hạn tiến độ thực hiện đến 30/9/2016.

      Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 2 chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với địa phương để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về công tác xác định, phân khai, bóc tách khối lượng các hạng mục công việc chậm tiến độ do các nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý các vấn đề phát sinh do việc kéo dài thời gian thực hiện tuân thủ quy định hiện hành.

HỘI NGHỊ SƠ KẾT THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA NẠO VÉT LUỒNG HÀNG HẢI, KHU NƯỚC, VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN

      Ngày 30/9, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 25/2013/TT-BGTVT về chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng biển, cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải. Đồng chí Nguyễn Văn Công – Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT đã dự và chủ trì Hội nghị.

      Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND và cơ quan chức năng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đồng Nai; cơ quan chức năng thuộc Bộ Xây dựng; các Vụ, Ban tham mưu thuộc Bộ GTVT; Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan, các Cảng vụ hàng hải; các Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc, miền Nam cùng với 15 nhà đầu tư đã và đang tham gia thực hiện các dự án xã hội hóa bảo trì trong lĩnh vực hàng hải.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

      Nhu cầu nạo vét các tuyến luồng hàng hải hàng năm là rất lớn

      Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch nên hàng năm nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông hàng hải. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước hiện rất khó để bố trí thực hiện đầy đủ và đúng chuẩn tắc thiết kế và cũng chỉ có thể thực hiện nạo vét từ 12 – 20 tuyến luồng, không có kinh phí nạo vét các tuyến luồng khác cũng như khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão.

      Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải.

      Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã chấp thuận 22 dự án cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể có 05 dự án đã triển khai; 06 dự án đã được phê duyệt chuẩn tắc, đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công; 11 dự án đã chấp thuận chủ trương, đang lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án.

      Hiện nay, yêu cầu về nạo vét các tuyến luồng hàng hải hàng năm nhằm bảo đảm an toàn giao thông hàng hải và tiêu thoát lũ là rất lớn trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế. Vì vậy, việc xã hội hóa, tiến hành thực hiện nạo vét, duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến luồng đường thủy là phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước. Các tuyến luồng hàng hải và khu nước, vùng nước đã chấp thuận thực hiện dự án xã hội hóa cơ bản là các khu vực từ trước đến nay không bố trí hoặc ít khi bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện nạo vét, duy tu nên việc xã hội hóa sẽ góp phần thông luồng luồng, tạo thuận lợi cho giao thông hàng hải, góp phần bảo đảm an toàn hàng hải. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cơ bản đã cố gắng tiến hành các thủ tục để có thể thực hiện dự án. Đã có 05 dự án tiến hành thi công nạo vét và 06 dự án hoàn thành thủ tục để thi công từ cuối năm 2014, đầu năm 2015. Tuy nhiên, hiện phần lớn các dự án chưa thi công nên chưa đạt hiệu quả mục tiêu thông luồng đề ra.

     Thông tư số 25/2013/TT-BGTVT tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia các dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm

      Theo đánh giá của Cục Hàng hải VN, Thông tư 25 ra đời tạo ra hành lang pháp lý đối với thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm; thủ tục đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt chuẩn tắc thiết kế luồng trong thời gian nhanh gọn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai; sản phẩm tận thu từ các dự án nạo vét luồng hàng hải đã được sử dụng trong nước hoặc xuất khẩu, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tăng tính hiệu quả kinh tế – xã hội; quy định rõ trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm từ khi đăng ký thực hiện dự án đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng; đồng thời tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm; khuyến khích được nhà đầu tư tham gia vào công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, việc triển khai các dự án nạo vét luồng hàng hải tận thu sản phẩm theo chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước đã hạn chế được hiện tượng khai thác cát trái phép, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng hàng hải.

Tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư đều đánh giá cao tính thiết thực,
hiệu quả của chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải

      “Chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải là chủ trương thiết thực mang lại lợi ích lớn cho đất nước và ngành giao thông vận tải. Nhu cầu vốn đầu tư nạo vét cửa luồng nhằm duy tu các tuyến luồng hàng hải là rất lớn trong khi đó kinh phí ngân sách dành cho đầu tư nạo vét còn hạn chế. Do vậy, việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư nạo vét được coi là giải pháp cấp bách và phù hợp” – Đại diện Công ty Cổ phần Bình Minh Vàng (nhà đầu tư) đánh giá.

      “Việc chủ trương cho các doanh nghiệp thực hiện triển khai các dự án của Bộ GTVT theo hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm, lấy thu bù chi theo tôi là một chủ trương rất đúng đắn; thực hiện tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách Nhà nước. Đây là hình thức mới  và tất cả các doanh nghiệp hiện đang thí điểm đăng ký thực hiện rất dũng cảm, vì rất nhiều khó khăn; các doanh nghiệp xắn tay cùng Bộ GTVT để chia sẻ khó khăn của Nhà nước cũng như ngân sách thì tôi cho rằng đáng được kính nể, đáng được hoan nghênh…” – Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng (nhà đầu tư) nhận định.

      Tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư trình bày báo cáo tham luận đánh giá kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa Dự án nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại cửa sông Gianh tỉnh Quảng Bình, Dự án xã hội hóa nạo vét tuyến luồng hàng hải Bến Thủy Cửa Hội…; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án phục vụ xã hội có hiệu quả, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng hàng hải.

      Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển

      Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh vai trò của chủ trương xã hội hóa để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

      “Trong ngành Hàng hải, hầu hết các dự án cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi đang xây dựng Đề án Phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải; đưa ra các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực. Trong lĩnh vực nạo vét luồng hàng hải, thực chất Bộ GTVT đã làm nhiều năm nay, tuy nhiên trước đó không có một văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục cấp phép, quá trình kiểm tra giám sát các dự án này. Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần huy động các nguồn lực xã hội để nạo vét luồng hàng hải, phục vụ cho các cảng biển trong khi không sử dụng nguồn vốn nhà nước và để tạo đảm bảo sự minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép và hướng dẫn nhà đầu tư, tạo sự rõ ràng trong quá trình triển khai dự án, do vậy Bộ GTVT đã xây dựng Thông tư 25, đây là một văn bản hướng dẫn cụ thể, khá chi tiết để tạo sức hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.

      Thứ trưởng cũng khẳng định, qua ý kiến của đại biểu dự Hội nghị cho thấy chủ trương này là đúng đắn và cần tiếp tục, quá trình triển khai đã thu được những thành tựu nhất định. Nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai. Theo tính toán những dự án thực hiện trong năm 2014 và hoàn thành vào năm 2015 sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, có được các luồng phục vụ nhu cầu cho tàu bè ra vào, không những phục vụ cho chính các doanh nghiệp cảng mà còn phục vụ cho an ninh quốc phòng.

      Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục chủ trì tuyên truyền phổ biến rộng rãi về chủ trương của Bộ GTVT về xã hội hóa các dự án nạo vét luồng hàng hải không sử dụng ngân sách nhà nước; chủ động hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai các thủ tục cần thiết; nghiên cứu các nội dung của Thông tư 25 và các ý kiến đề xuất các đại biểu dự Hội nghị để đề xuất cải cách thủ tục hành chính để các trình tự , thủ tục triển khai được nhanh gọn, minh bạch hơn; đồng thời yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ chuẩn tắc luồng, không để nhà đầu tư lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khai thác cát trái phép, khi phê duyệt dự án phải cân nhắc thật kỹ về chuẩn tắc, chiều rộng luồng, luồng công vụ, khu chuyển tải, khu neo đậu..

RÀ SOÁT TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU SBIC

    Sáng 30/9, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) về hoạt động sản xuất kinh doanh và tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu đơn vị này

    Phấn đấu đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch năm

    Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc SBIC Vũ Anh Tuấn cho biết, 9 tháng năm 2014, giá trị sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đạt hơn 3700 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch. Trong đó, đóng tàu ước đạt hơn 2700 tỷ đồng (đạt 69,4% kế hoạch), sửa chữa ước đạt hơn 261 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch; công nghiệp phụ trợ và sản xuất kinh doanh khác đạt hơn 702 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch. 9 tháng, doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt hơn 3000 tỷ đồng, bằng 52,68% kế hoạch.

    “Thu nhập bình quân người lao động của SBIC đạt hơn 4,8 triệu đồng/người/tháng”, ông Vũ Anh Tuấn cho biết.

Tổng Giám đốc SBIC Vũ Anh Tuấn báo cáo tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty

    Đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch SXKD, ông Vũ Anh Tuấn khẳng định: 9 tháng năm 2014, SBIC đã cố gắng thực hiện kế hoạch được giao, các chỉ tiêu về giá trị sản xuất, doanh thu đều phấn đấu để đảm bảo các chỉ tiêu đã xây dựng. Khả năng toàn TCT có thể hoàn thành kế hoạch năm 2014. Tuy nhiên, có một số công ty phải tích cực để bổ sung doanh thu SXKD bị thiếu hụt do nhiều nguyên nhân khách quan.

    Cụ thể, Công ty Cổ phần Đóng tàu sông Cấm chậm tiến độ bàn giao 9 tháng tàu Bạch Long Vỹ và 5 tàu khác (Damen làm chủ tàu lùi tiến độ thi công) do bị thiếu vốn. Do đó, số tàu của Sông Cấm bị chậm bàn giao từ 34 tàu theo kế hoạch xuống 28 tàu.

    Bên cạnh đó, Công ty Đóng tàu Hạ Long, Công ty mẹ – Tổng công ty CNTT Phà Rừng cũng bị ảnh hưởng chỉ tiêu SXKD do chủ đầu tư dự án huỷ hợp đồng và thiếu hụt doanh thu do kiểm toán KPMG thay đổi phương thức kiểm toán doanh thu…

    Ông Tuấn cũng cho biết thêm những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch SXKD của Tổng công ty, nhất là đối với việc thi công tàu kiểm ngư cỡ nhỏ, vật tư thiết bị chính, chủ tàu cung cấp nên khó trong việc kiểm soát được tiến độ cung ứng, dẫn đến tiến độ bàn giao một số tàu bị điều chỉnh kế hoạch có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động SXKD…

    Hoàn thành việc giảm đầu mối được 82 đơn vị

    Về tình hình tái cơ cấu nợ, đại diện Tổng công ty CNTT khẳng định: Đến nay, sau khi đã cơ bản cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài, nợ trong nước giai đoạn 1, Tổng Công ty đang tiếp tục tập trung cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ trái phiếu quốc tế vay lại Bộ Tài chính, nợ nhà thầu cung cấp…

    Về tái cơ cấu lao động, tính đến 31/8/2014, số lao động của SBIC còn 17.773 người, trong đó Công ty mẹ và 8 đơn vị giữ lại theo Đề án tái cơ cấu là 6.002 người. Riêng 8 tháng năm 2014, số lao động biến động trong toàn Tổng Công ty là 2.840 người.

    “Việc khoanh nợ BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2012 trở về trước đã hoàn thành với tổng số 81 đơn vị và Công ty TNHH MTV thực hiện khoanh nợ. Tổng công ty cũng đã và đang thực hiện quyết toán quỹ tiền lương đồng thời có đơn kiến nghị hỗ trợ gửi đến các Bộ, ngành nhằm thanh toán trợ cấp thất nghiệp cho người lao động”, ông Tuấn cho biết thêm.

    Nói về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn cũng cho biết hiện nay Đề án tiếp tục tái cơ cấu 8 đơn vị giữ lại sau tái cơ cấu đã được Bộ GTVT tiến hành họp thẩm định và thông qua đề án. Các đơn vị này cũng đang triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt. Cũng trong 9 tháng năm 2014, Tổng công ty đã hoàn thành việc tái cơ cấu giảm đầu mối được 82 đơn vị; Giải thể xong 5 đơn vị; Hoàn thành thủ tục được 61/66 doanh nghiệp có thể tiến hành rút vốn thương hiệu…

    Tập trung nỗ lực thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu

    Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã biểu dương tập thể, lãnh đạo SBIC đã rất cố gắng thực hiện Đề án tái cơ cấu nhưng tiến độ còn chậm. Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo SBIC phải tập trung nỗ lực hơn, tìm kiếm thị trường mới, tăng năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành xuống đơn vị, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm và tập trung thực hiện thành công Đề án. Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu, nếu phát sinh các vướng mắc phải kiến nghị ngay tới Bộ GTVT và các bộ, ngành khác để tìm cách tháo gỡ.

    Thứ trưởng cũng yêu cầu SBIC phối hợp với các Vụ QLDN, KHĐT, Cục Hàng hải, các Công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc, miền Nam và các Bộ, ngành khác đẩy mạnh các chương trình, dự án thay thế tàu đánh cá vỏ thép, đóng tàu tuần tra cứu nạn, tàu kiểm ngư đồng thời chuẩn bị phương án thí điểm phá dỡ tàu cũ khi Nghị định về vấn đề này có hiệu lực, tuy nhiên phải đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo môi trường…

ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN VIỆN KHCN GTVT, TRỞ THÀNH ĐƠN VỊ HẠT NHÂN VỀ KHCN NGÀNH GTVT

     Chiều 30/9, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT giai đoạn 2014 – 2020 theo hướng hoạt động hiệu quả, vững chắc, trở thành đơn vị hạt nhân về khoa học công nghệ (KHCN) của ngành GTVT.

     Gần 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT hiện nay là một trong những tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đầu ngành GTVT. Hàng năm, Viện chủ trì nghiên cứu thành công nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, và cấp cơ sở. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai dịch vụ KHCN của Viện qua các năm có sự tăng trưởng. Viện ngày càng nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của các đối tác trong, ngoài ngành và ngày càng nhận được nhiều nhiệm vụ có hàm lượng KHCN cao.

PGS.TS Nguyễn Xuân Khang – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT
trình bày về Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện tại cuộc họp

     PGS.TS Nguyễn Xuân Khang – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, mục tiêu của Đề án là sắp xếp, đổi mới căn bản, triệt để và toàn diện Viện để đến năm 2020 phát triển theo hướng hoạt động hiệu quả, vững chắc, trở thành đơn vị hạt nhân về KHCN của ngành GTVT trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện; chủ động đề xuất Bộ GTVT những vấn đề về quản lý, ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ trong Ngành; phát triển Viện ngang tầm với các Viện nghiên cứu chuyên ngành GTVT tại các nước đang phát triển trong khu vực.

     Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khang, nội dung sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT tập trung vào cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, kiện toàn và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường các hoạt động KHCN, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời, tăng cường năng lực tài chính, nguồn vốn và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật .

     “So với cơ cấu tổ chức theo Đề án chuyển đổi được phê duyệt, cũng như cơ cấu tổ chức đã được sắp xếp lại sau 8 năm thực hiện chuyển đổi cơ chế, cơ cấu tổ chức trong Đề án này của Viện được rút gọn từ 19 đầu mối còn 14 đầu mối, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của Viện như: thí nghiệm kiểm định, quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa hạ tầng công trình GTVT, thử nghiệm, phát triển vật liệu mới, công nghệ mới… Những lĩnh vực nhỏ lẻ được sắp xếp lại để chuẩn bị về nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược phát triển, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể phát triển trong tương lai” – PGS.TS Nguyễn Xuân Khang cho biết.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sửa chữa tăng cường kết cấu công trình cầu

     PGS.TS Hoàng Hà – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ cho rằng, việc sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là rất cần thiết, nâng cao vai trò của Viện, đặc biệt là tổ chức bộ máy, vai trò lãnh đạo của Ban Lãnh đạo Viện, các phòng quản lý nghiệp vụ; cùng với đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính là áp dụng các công nghệ mới vào các công trình giao thông và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn.

     Để đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN ngành GTVT giai đoạn từ nay đến năm 2020, PGS.TS Hoàng Hà cũng đã đề nghị Viện Khoa học và Công nghệ GTVT rà soát, bổ sung nội dung liên quan vào Đề án, trong đó bổ sung các nội dung liên quan đến công tác nghiên cứu ứng dụng về tổ chức giao thông và hệ thống ITS điều khiển giao thông, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong thiết kế, thi công, sửa chữa, cải tạo, khôi phục, thí nghiệm, kiểm định, đánh giá chất lượng trong lĩnh vực đường bộ, đường sân bay, cầu, hầm, cảng, đường thủy, đường sắt…

     Đánh giá cao sự nỗ lực của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT trong việc xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định việc đổi mới toàn diện và triệt để tổ chức và hoạt động của Viện là hết sức cần thiết, đánh giá lại thực trạng tổ chức và hoạt động của Viện, đưa ra những tồn tại, bất cập cũng như có những giải pháp phù hợp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

     Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mặc dù Viện đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên Đề án cần được bố cục lại, trong đó nghiên cứu, nêu rõ những hạn chế, cách thực hiện các biện pháp đổi mới; hiện trạng cần đánh giá các nội dung phù hợp nhiệm vụ của Viện, hoạt động của ngành GTVT, chiến lược phát triển GTVT; bên cạnh đó, xác định rõ mục tiêu, vai trò đầu tàu về KHCN, quan điểm đổi mới toàn diện để phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển KHCN của ngành GTVT, của Quốc gia; đồng thời đổi mới từng lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới phải luôn gắn kết với sản xuất và phải có những giải pháp cụ thể